Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 1700)

Năm 1698, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cử làm Thống suất Kinh lược xứ Đồng Nai với nhiệm vụ khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương. Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn). Tât cả thuộc phủ Gia Định.

Năm 1699, nội tình bên Chân Lạp lộn xộn gây ra cảnh cướp bóc dân buôn, quấy phá đồn lũy Đại Việt. Nguyễn Hữu Cảnh được cử làm Thống binh, đưa quân vào Nam dẹp loạn. Thủy binh của ông lên đến tận Nam Vang, phủ dụ quan quân Chân Lạp, lập thế an dân…

Cuối tháng tư năm Canh Thìn (1700), trên đường xuôi sông Tiền về Trấn Biên, Nguyễn Hữu Cảnh nhuốm bệnh nên dừng quân ở cù lao Tiêu Mộc (cồn Cây Sao). Đến ngày tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), bệnh trở nặng nên ông truyền lệnh dong buồm về gấp nhưng đến Rạch Gầm (Mỹ Tho) thì ông mất, nhằm ngày mùng 9 tháng 5 năm Canh Thìn. Linh cửu Nguyễn Hữu cảnh được đưa về cù lao Phố (Biên Hòa) an táng.

Ông được truy tặng: Hiệp tán Công thần – Đặc trấn Chưởng dinh Tráng Hoàn Hầu, thụy là Trang cần. Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (Chúa Ninh), năm 1737, Nguyễn Hữu Cảnh được phong Thượng đẳng thần…, được tòng tự tại Thái Miếu, Huế. Ông được vua Minh Mạng truy tặng là Khai quốc công thần Tráng võ tướng quân Vĩnh An Hầu…

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công rất lớn trong việc khai hoang lập làng, xác lập chủ quyền, bình định an dân… trên vùng đất Gia Định xưa nên được các thế hệ cư dân Nam Bộ lập nhiều đình, miếu, kính cẩn tôn thờ ông là “Thượng Đẳng Phúc Thần”. Ở Chợ Mới (An Giang), nơi ông dừng chân năm 1700 được gọi là cù lao Ông Chưởng, con rạch nối liền sông Tiền với sông Hậu là sông Ông Chưởng, lòng Ông Chưởng (Lễ Công giang).

Hiện nay ở An Giang, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tôn thờ ở các đình, miếu như Mỹ Phước (TP. Long Xuyên), Long Kiến, Kiến An, (Chợ Mới), Bình Thủy, Bình Mỹ (Châu Phú), Châu Phú, Vĩnh Ngươn (TX Châu Đốc), Cồn Tiên, Đa Phước (An Phú) v.v…

Nguồn: thuvienangiang

Chia sẻ lên
WEB5k - Thiết kế website giá rẻ chuẩn SEO