Cách đồng chó ngáp là ở đâu?

Đó là cánh đồng hoang rộng lớn, nối liền ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh, tên trên bản đồ thường gọi là vùng Mỏ Vẹt (Ba Thu), phần lớn nằm trong hai huyện Đức Hoà và Đức Huệ của Long An. Ở tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn huyện Châu Thành thuộc ba xã An Khánh, Hòa Tân và Phú Long, chạy dài từ sông Tiền sang sông Hậu, cũng có một cách đồng nhỏ hơn mang tên này.

Cánh đồng chẳng những hoang hoá, không xóm làng nhà cửa, mà còn đầy lùm bụi thấp, gai gốc, gò nổng, sình trấp. Loại cây thấp là cây tràm gió (dùng làm dầu khuynh diệp) thấp đến nỗi khi ngồi xuống là đầu người vẫn nhô lên khỏi đọt cây, hoạ hoằn lắm mới có cây cao hơn đầu người. Vào mùa khô, cách di chuyển duy nhứt là đi bộ. Người đi bộ vô cùng vất vả, phải bước thấp, bước cao, trên mặt đất gồ ghề, lởm chởm, khát nước, không có nơi trú nắng… Bộ hành phải mang giày dép, để khỏi bị thương khi giẫm lên gốc tràm.

Ngay từ trong chín năm (1945 – 1954) kháng chiến chống Pháp, cánh đồng này là gạch nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Khi các chiến sĩ giao liên dẫn khách (cán bộ, bộ đội) băng qua, không có giăng cây hoặc làng xóm gì để tính mốc ước lượng độ xa gần của từng chặng đường, nên các chiến sĩ giao liên phải dùng một loại thước độ đặc biệt, đó là chân trời, nơi có một vài đọt tràm vượt trội lên. Bộ đội, cán bộ đi công tác ngang qua đây đều rất “oải” cánh đồng này, vì phải đi một mạch gần cả ngày trời mới có chỗ dừng chân.

Lần nọ, một anh giao liên dẫn theo con chó cho có bạn trong chuyến trở về không có khách. Con chó phải theo đoàn người băng qua đồng, lướt bụi. Lúc mới khởi hành, nó tung tăng chạy phía trước đoàn người, thỉnh thoảng dừng lại như chờ đợi, nhưng càng đi nó càng chậm dần. Đến trưa, nó đi lẫn trong đoàn người, cuối cùng nó tụt lại phía sau. Lúc bấy giờ, nó vừa chạy theo vừa ngáp; đương trong cơn mệt mỏi, nghe tiếng ngáp, mọi người quay lại nhìn thấy nó, cười rộ lên. Nhưng rồi tiếng ngáp thưa và nhỏ dần và tiếp theo là tiếng rên. Mọi người dừng lại, anh giao liên chạy đến bồng con vật lên và tiếp tục lên đường. Chỉ một lát sau, con vật rướn người lên và chết trong tay anh. Thì ra do đi quá lâu mà không nghỉ, con chó kiệt sức đi không nổi vì mệt mỏi thái quá. Ai nấy đều thương tiếc con chó, nhất là anh giao liên.

Từ đó về sau, câu chuyện về cánh đồng xa diệu vợi, chó đi không nổi đến nỗi phải ngáp rồi chết, được truyền đi trên khắp nẻo đường giao liên ở Nam bộ và cũng từ đó cánh đồng này được gọi là Đồng Chó Ngáp.

Nguồn: Website Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp

Chia sẻ lên
WEB5k - Thiết kế website giá rẻ chuẩn SEO