Nguồn góc tên gọi Chắc Cà Đao

Tài liệu địa chí triều Nguyễn nhắc rất ít về địa danh Chắc Cà Đao. Người đầu tiên nhắc tới Chắc Cà Đao là Lê Quang Định (1759-1813). Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (soạn xong năm 1806), Lê Quang Định có nói tới “rạch Chạc Cà Đao ở bên phải [sông Hậu], rạch này rộng 3 tầm, sâu 1 tầm” và “cù lao Chạc Cà Đao, trên đó là rừng rậm, không có dân cư”. Địa danh Chắc Cà Đao cũng được ghi nhận trong địa bạ thôn Bình Hòa Trung (lập năm 1836) và tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của giáo sĩ Taberd (in năm 1838).

Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:

– Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer chắp kdam nghĩa là bắt cua vì vùng này xưa kia có nhiều cua.

– Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer prek pedao. Prek là rạch, pedao là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).

Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì chắp kdam gần âm hơn là prek pedao. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết chắp kdam là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.

Giả thiết của ông Nguyễn Văn Đính nghe thuận tai hơn; giả thiết của nhà nghiên cứu Sơn Nam nghe hợp lý hơn. Muốn xác định cách lý giải nào là đúng chúng ta cần có thêm bằng chứng nữa. May mắn thay, bằng chứng lại nằm sẵn trong một địa danh khác cũng được ghi trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định. Ông cho biết ở gần khu vực Ông Chưởng của huyện Chợ Mới ngày nay cũng có “rạch nhỏ Chạc Cà Na, rạch rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, cho đến cùng nguồn hai bên đều có dân cư, phía ngoài là rừng chằm”. So sánh với tình hình hiện tại thì đây phải là rạch Chăn Cà Na. Điều này chứng minh cho ta thấy rằng cùng là một chữ Chạc vẫn có thể có nhiều cách biến đổi, chỗ thì biến thành Chắc, chỗ lại trại thành Chăn.

Cả Chạc Cà Đao lẫn Chạc Cà Na đều có chung tiền tố Chạc Cà với tự dạng chữ Nôm giống nhau. Do đó, từ Chạc hoặc thậm chí là Chạc Cà chỉ có thể có một nghĩa duy nhất trong cả hai địa danh: Chạc Cà Đao và Chạc Cà Na. Chạc không thể là biến âm của chắp (bắt) vì chắp kdam (bắt cua) thì được nhưng không lẽ Chạc Cà Na lại là chắp kana (bắt … trái cà na?!). Cách lý giải của ông Nguyễn Văn Đính chỉ hợp lý khi nó đứng một mình và sụp đổ ngay khi xuất hiện một trường hợp tương tự.

Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Taberd (trích) vẽ năm 1838 có ghi địa danh Chác ca đao.

 

Về địa danh Chạc Cà Đao và Chạc Cà Na, chúng ta có hai hướng lý giải:

Hướng lý giải thứ nhất: Chạc Cà là một từ đa âm trong tiếng Khmer giống như Tầm Phong là ghi âm của Kompong (bến sông) vậy. Tuy nhiên, ta vẫn chưa biết liệu trong ngôn ngữ Khmer có từ nào khả dĩ gần âm với Chạc Cà và có nghĩa chấp nhận được hay không. Trong trường hợp này, cấu trúc địa danh có dạng “Chạc Cà” + “X”.

Hướng lý giải thứ hai: Chạc là một từ đơn có nghĩa. Trong trường hợp này, cấu trúc địa danh có dạng “Chạc” + “X”. Dựa vào cách giải thích của nhà nghiên cứu Sơn Nam, ta có thể nói Chạc (Chắc) là ký âm của từ Khmer prek. Tuy nhiên, từ prek này đã được người Việt tiếp thu và phát âm thành rạch. Đó hẳn cũng là một lý do nữa để cụ Vương Hồng Sển không tán thành Chắc Cà Đao là prek pedao. Dù vậy, ta vẫn có thể đặt giả thiết rằng người An Giang xưa đã tiếp thu chữ rạch từ các cộng đồng người Việt khác, đồng thời cũng tiếp thu lại chữ prek và ký âm thành Chạc (Chắc). Điều này tương tự chữ Koh đã được người Việt tiếp thu ở nhiều chỗ với cách ký âm khác nhau như Cổ trong Cổ Cốt (Koh Kot), Ka trong Ka Kôi (Koh Kôi), Katambong (Koh Tầm Bông)…

Với cách lý giải này, ta có thể hiểu ý nghĩa của Chắc Cà Đao ở Châu Thành, Chăn Cà Na ở Chợ Mới và thậm chí hiểu một phần ý nghĩa các địa danh Chắc Ri, Chắc Re ở Vĩnh Nguơn (thị xã Châu Đốc). Theo đó, Chắc Cà Đao là rạch Dây Mây (prek pedao) hoặc rạch Cua (prek kdam); Chăn Cà Na là rạch Cây Cà Na (prek kana).

Tuy nhiên, giải thích theo kiểu của Sơn Nam thì hình như vẫn còn bỏ qua một yếu tố nữa là tự dạng của chữ Chạc. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ghi Chạc là “khẩu” + “trác”. Trong đó, “khẩu” là từ biểu thị ý nghĩa, “trác” là từ biểu thị âm đọc. Điều này hàm ý Chạc là chỉ một loại địa hình có liên quan đến “cửa”, “lối vào”. Gia Định thông chí mục Náo Khẩu Ca Âm viết chữ “Náo” với tự dạng “thủy” + “trác” và giải thích “chữ náo hay xước đều được, nghĩa là chỗ bùn lầy nhiều”. Đại Nam hội điển sự lệ khi nói về Náo Khẩu Ca Âm lại đề cập đến hai đầu náo khẩu với tên gọi cửa trác Ỷ Hâm và cửa trác Trà Bát. Như vậy, Chạc (Chắc) là ám chỉ lối vào khu vực bùn lầy nhiều và ngập nước, còn “Cà Đao” có nhiều khả năng là “pedao” (dây mây/ cây rừng) hơn là “kdam” (con chuột) vì chữ “Cà” có bộ mộc. Gốc của chữ “Chạc” này hẳn cũng chịu ảnh hưởng bởi tiếng Khmer “bangtrap” mà có chỗ dịch là bưng trấp, ám chỉ một vùng đầm lầy ngập nước.

Sưu tầm

Chia sẻ lên
WEB5k - Thiết kế website giá rẻ chuẩn SEO