Địa danh vùng đất An Giang có từ khi nào và thay đổi bao nhiêu lần qua thời gian? Những ai người An Giang có bao nhiêu người biết đến, những ai từng đến An Giang có khi nào hỏi đến? Tên gọi nào cũng có gốc tích của nó và tên gọi vùng đất An Giang này có nhiều điều đáng nói đến.
Với tên gọi ban đầu có gốc từ tiếng Khmer – Tầm Phong Long, trước khi thuộc về Việt đây là vùng đất của nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tầm Phong Long, theo giải thích của Vương Hồng Sển, âm/Tầm Phong Long/xuất phát từ “Kompong Luông” của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua. Theo giải thích này thì đây là vùng đất của vua Chân Lạp, vùng đất của vua vì nơi đây khá rộng lớn, địa thế tốt và khá hiểm yếu.
Vùng đất Tầm Phong Long thuộc về Việt năm 1757 do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất trả ơn cho việc được chúa Nguyễn giúp đỡ khi đất nước Chân Lạp nổi lên các cuộc biến loạn. Cai cơ Nguyễn Cư Trinh vâng lệnh Chúa tiếp nhận đất này và chia vùng đất này thành 3 đạo : đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đặt đạo Tân Châu ở xứ cù lao Diến (hay cù lao Giêng) trên Tiền Giang, đặt đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc trên Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp, chặn giữ những nơi yếu hại ở địa đầu.
Vùng đất Tầm Phong Long rộng lớn trước kia được chia cắt là cơ sở định hình cho 3 tỉnh Tây Nam Kỳ của Nam Kỳ lục tỉnh.
Địa danh ban đầu là đạo Châu Đốc, tên gọi Châu Đốc có trước vì thế đến ngày nay nhiều người quen thuộc tên Châu Đốc hơn An Giang. Vậy nếu ai nói biết Châu Đốc mà không biết An Giang thì cũng không phải chuyện gì đáng kể lắm.
Đạo Châu Đốc được đổi tên thành Châu Đốc Tân Cương năm 1808 để thấy tầm quan trọng của vùng đất này, nơi biên cương mới của nhà Nguyễn.
Tên gọi vùng đất này được thay đổi lần nữa, địa danh An Giang chính thức ra đời năm 1832, do vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh. Tỉnh An Giang trong Nam Kỳ Lục tỉnh khá rộng lớn, phía bắc từ thượng nguồn sông Tiền cho đến phía nam sông cái biển Đông (bao gồm tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay), phía tây giáp phủ Nam Vang (trước là Cao Miên nay là Campuchia) từ cửa sông Tiền đến sông Hậu và tiếp giáp sông Cái Bồn (Kiên Giang).
Tên gọi An Giang có thể giải nghĩa là dòng sông an lành, để định cư lâu dài khi mà vua Minh Mạng thực hiện chính sách di dân khẩn hoang lập làng, khuyến khích các cư dân vào vùng đất này khai phá.
Sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp thay đổi địa giới hành chính, năm 1899, Nam kỳ từ 6 tỉnh tách thành 19 tỉnh. Tỉnh An Giang được tách thành 5 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Địa danh An Giang không còn trên bản đồ, 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc là định hình cho tỉnh An Giang ngày nay.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, hình thành Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, bên cạnh tên gọi theo địa giới hành chính của Pháp thì nơi này có tên gọi mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, phân chia theo sông Tiền và sông Hậu.
Trong 2 năm 1950 – 1951, tên gọi Long Châu Tiền và Long Châu Hậu lại đổi tên thành Long Châu Hà (sáp nhập Long Châu Hậu và Hà Tiên) và Long Châu Sa (sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền).
Từ năm 1945 đến 1954, có 2 cách phân chia địa giới và đặt địa danh cho vùng đất này, một theo Pháp, một theo Ủy ban kháng chiến. Người dân thuộc khu vực kháng chiến thì quen thuộc với Long Châu Tiền (hoặc Long Châu Hà), Long Châu Hậu (hoặc Long Châu Sa), có khi họ nhầm lẫn tên gọi mới và cũ. Người dân thuộc khu vực của Pháp vẫn dung tên gọi tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Đến nay thì tên gọi Long Châu Tiền hoặc Long Châu Hà rất ít người nhớ đến, có khi nghe đến thấy là lạ.
Dưới thời chính quyền Sài Gòn, năm 1956, tên gọi An Giang được sử dụng lại, tỉnh An Giang bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc (theo địa giới của Pháp đến 1954). Sau đó, từ năm 1964 đến năm 1975, tách thành tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang.
Theo Xứ ủy Nam kỳ, năm 1954, lập lại tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thay tỉnh Long Châu Hà và tỉnh Long Châu Sa. Đến năm 1957, hợp nhất tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Sau đó lại tách ra vào năm 1971, tỉnh An Giang tách thành tỉnh An Giang và tỉnh Châu Hà (địa giới Châu Đốc). Đến 1974, lần nữa bỏ địa danh An Giang quay lại với địa danh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Sự thay đổi địa danh này làm cho sự phân chia ranh giới khá phức tạp.
Đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, tên gọi An Giang được chính thức sử dụng lại cho đến ngày nay, địa giới An Giang ngày nay cũng được hình thành, bao gồm Long Xuyên và Châu Đốc.
Như vậy, địa danh An Giang được đặt tên cho vùng đất này từ năm 1832, trở thành 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ, vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an lành, vì thế qua nhiều lần tách nhập địa giới và thay đổi tên gọi nhưng cuối cùng An Giang vẫn là tên gọi được gắn liền đến ngày nay. Có lẽ địa danh phản ánh đúng thực cuộc sống an bình của cư dân trên những dòng sông.
Sưu tầm