Ông quê quán huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) – sinh ra ở làng Tân Thái (quê nội), nay là phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Xuất thân từ một gia đình quan chức cấp thấp. Cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông cùng gia đình vào sống ở làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1777, ông theo phò Nguyễn Ánh cùng qua Xiêm, Lào; lập nhiều công trạng, làm đến chức Thống chế, được phong tước Ngọc Hầu.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, ông được cử làm Quản thủ đồn Long Hưng (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trấn thủ Lạng Sơn, Thống quản biền binh Bảo hộ Cao Miên nên còn được gọi là Bảo hộ Thoại. Năm 1817, ông về làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc. Với tầm nhìn chiến lược của người tướng ngoại biên, năm 1818 ông chỉ huy dân binh đào kinh nối liền sông Đông Xuyên (Long Xuyên) với Rạch Giá để việc qua lại giữa trấn Vĩnh Thanh và trấn Hà Tiên không còn ngăn cách trong mùa khô hạn. Để tưởng thưởng công lao, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho núi Sập là Thoại Sơn và sông Đông Xuyên là Thoại Hà. Tiếp đến, từ năm 1819 đến 1824, vâng lệnh vua, ông đốc suất dân binh trấn Vĩnh Thanh đào con kinh dài gần 100 cây số nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Hiệu quả to lớn mà con kinh mang lại được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận : “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”. Tương truyền do Thoại Ngọc Hầu phu nhân là bà Châu Thị Tế đã giúp chồng trông coi việc đào kinh nên được vua cho lấy tên bà đặt tên cho kinh là Vĩnh Tế, núi Sam cạnh bờ kinh cũng được gọi là Vĩnh Tế Sơn. Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng đó chỉ là huyền thoại, vì chưa có bằng chứng chuẩn xác khẳng định. Các lý lẽ của những nhà nghiên cứu này nêu ra là: bia Vĩnh Tế Sơn được tìm thấy đã không còn nguyên vẹn nên không có nguyên bài văn bia; không có tài liệu nào ghi Thoại Ngọc Hầu phu nhân tên Châu Thị Vĩnh Tế; tên kinh Vĩnh Tế được đặt từ khi bắt đầu đào (trong các chỉ dụ của vua).
Năm 1836 (có tài liệu ghi 1835), vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, hình ảnh kinh Vĩnh Tế được chạm khắc vào Cao đỉnh (đỉnh chính giữa, cao nhất).
Năm 1822, ông lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn.
Năm 1823, ông lập 5 làng bên bờ kinh Vĩnh Tế: Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vinh Thông.
Năm 1826, ông mở đường Châu Đốc đi núi Sam. Công trình hoàn thành, ông dựng bia Châu Đốc tân lộ kiều lương tại núi Sam (1828).
Với tấm lòng tri ân những người đã mất do đào kinh Vĩnh Tế, ông cho quy tập hài cốt đem về cải táng bên triền núi Sam với bài văn tế “Tế nghĩa trủng văn” mang đậm tính nhân văn:
.. Đào kinh trước mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương
Bình man máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa gởi xương xứ này
Với tư tưởng “Sanh vi tướng, tử vi thần”, từ năm 1822, ông cho xây dựng lăng mộ bên triền núi Sam hướng về bờ bắc kinh Vĩnh Tế. Ông mất tại vị vào ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi, được truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống.
Nguyễn Văn Thoại không chỉ là một danh tướng kiệt xuất thời kỳ đầu triều Nguyễn mà còn là một nhà doanh điền xuất sắc khi để lại 2 công trình chiến lược: kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế trên vùng đất miền Tây Nam Bộ cho muôn đời sau.
Nguồn: thuvienangiang