Dạo quanh một vòng huyện cù lao Chợ Mới, từ những đám tiệc cưới hỏi cho đến những quán nhậu, sẽ dễ gặp người ta hát bài vọng cổ “Chợ Mới“. Ban đầu, cứ nghĩ là dân Chợ Mới nên họ hát bài “Chợ Mới” là đúng thôi. Nhưng nhiều lần rong chơi ở các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt gặp người ta hát bài Chợ Mới. Bất ngờ hơn là lần ra Huế, ngồi trong một quán nhậu rất Huế, nghe anh chàng gốc Huế ca mấy câu trong bài Chợ Mới, mà khi hỏi, anh ta cũng chẳng biết tác giả bài này là ai, chỉ thấy hay hay rồi nhớ mấy câu vậy. Ắt phải hay, phải đi vào lòng người thì bài hát mới sống lâu và vang xa như vậy. Nói như NSƯT Thanh Kim Huệ: “Đi tới đâu cũng nghe”...
Là dân Chợ Mới, từ nhỏ đã nghe và thuộc lòng bài “Chợ Mới”, tuy vậy vẫn không biết mặt tác giả, vẫn không biết là bài hát thân quen ấy ra đời trong hoàn cảnh nào. Được một anh bạn nghệ sĩ sân khấu cho biết: “Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại cánh đồng Bìm Bịp, xã Quách Phẩm, Đầm Dơi, (Bạc Liêu cũ, nay là tỉnh Cà Mau), trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh. Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng hoạt động đến ngày giải phóng. Sau giải phóng ông tham gia công tác văn nghệ và giữ nhiều chức vụ quan trọng đến ngày về hưu, năm 2001. Tính đến nay, soạn giả Trọng Nguyễn đã viết 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng Biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v… Soạn giả Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. Sau lần trò chuyện đó, anh cho tôi địa chỉ nhà riêng của soạn giả Trọng Nguyễn. Tôi cầm địa chỉ trên tay, bắt xe đi ngay xuống Bạc Liêu và tìm gặp “cha đẻ” của bài “địa phương ca”: “Chợ Mới”. Trời chiều, ông soạn giả già gần tuổi 80, run run bước ra trước nhà đón tôi, ông vui mừng nắm tay khi biết tôi là người Chợ Mới. Hai bác cháu ngồi ở một góc quán gần nhà. Soạn giả Trọng Nguyễn cho biết, sau đợt bệnh tai biến cách nay vài năm, sức khỏe ông không còn như trước nữa, nên từ đó đến nay ông ít viết lại. Tuy sức khỏe có phần hơi yếu, nhưng soạn giả Trọng Nguyễn còn rất minh mẫn. Soạn giả Trọng Nguyễn hỏi tôi nhiều về sự đổi thay của mảnh đất cù lao Chợ Mới hôm nay. Hình như ông xem mảnh đất này rất đỗi thân thương, như là quê hương thứ hai của mình. Ông cho biết, mảnh đất cù lao ấy, nơi ông từng có thời gian gắn bó đi và viết, nơi có những người bạn thân thiết, rất mực tình cảm, hiền hòa như : Tám Minh Hùng, Tư Gẫm, cô Hồng… Ông nói vui :
Mảnh đất cù lao đó suốt đời bác không bao giờ quên được, vì nơi đó có nhiều kỷ niệm với bác, nhất là kỷ niệm lần bác lên đó, trót thương, trót yêu và đã thai nghén với đất một đứa con, nhờ đứa con đó mà nhiều người biết đến bác… đứa con đó là bài vọng cổ Chợ Mới.
Ông kể tôi nghe, với cái giọng trầm ngâm, đầy suy tư về ba mươi năm trước. Thời gian khoảng giữa những năm 80, soạn giả Trọng Nguyễn học ở trường chính trị Nguyễn Ái Quốc. Tại khóa học này, ông học chung với đồng chí Nguyễn Văn Gẫm (tên thường gọi: Tư Gẫm) là người gốc Chợ Mới. Ông Tư Gẫm ngỏ ý mời soạn giả Trọng Nguyễn, khi nào rảnh thì về Chợ Mới chơi một chuyến, sẵn viết cho Chợ Mới một bài ca.
Sau khi học xong trường chính trị, soạn giả Trọng Nguyễn đi đi về về Chợ Mới nhiều lần, cốt ý để lấy tư liệu và cảm hứng viết về địa phương này. Ông cho biết, từ khi nghe tên “Chợ Mới” ông đã cảm thấy có cái gì đó hay hay, thú vị. Chợ Mới, chợ có từ bao đời mà sao hoài cứ mới… Nhưng nhiều lần về Chợ Mới, ông đi hầu như giáp hết các xã của huyện, tìm đến những di tích lịch sử, văn hóa của địa phương nhưng vẫn không tìm được cảm hứng để viết. Trong một chuyến đi dài ngày về chợ Mới, soạn giả Trọng Nguyễn lặn lội tìm vào xã ấp An Ninh, xã Hội An. Ông định tìm hiểu và viết về anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng, nhưng vẫn không lấy được cảm hứng. Ông đành trở ra cầu Cái Tàu Thượng, uống cà phê ở một quán ven đường để đón xe ra về. Khi ngồi ở quán cà phê, nhìn ra dòng sông Tiền thơ mộng, ông chợt thấy một cô gái ngồi ở bờ sông giặt áo. Trong ông chợt bật lên câu nói lối: “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi. Mà ai cũng bảo là Chợ Mới quê hương…”. Nhìn ra phía con lộ Cái Tàu Thượng, những đoàn xe tiễn tân binh địa phương ngập tràn cờ hoa, người tiễn người với những cái nắm tay, với những lời hứa hẹn… Với cảm xúc đó, ông viết nên một câu chuyện tình của người con trai tên Tâm và cô gái tên Hồng bên bến nước con sông để thành một bài ca Chợ Mới. Ông cho biết, trong cuộc đời viết vọng cổ của ông, ông viết hơn 200 bài vọng cổ, có bài viết gần 20 năm mới hoàn thành. Nhưng bài Chợ Mới là bài ông viết nhanh nhất, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, mà Chợ Mới lại là bài nổi tiếng nhất của ông.
Khi được hỏi về hai nhân vật của bài Chợ Mới, ông cười, nhớ lại. Thật ra Hồng là tên một người bạn của ông, quê ở Bà Vệ (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới). Còn Tâm là tên người con trai út của ông, hiện đang học Đại học ở Anh. Ông lấy tên nhân vật nam là Tâm như một lời nhắn nhủ, một kỷ niệm với con trai út; còn lấy tên nhân vật nữ là Hồng để nhắc ông nhớ hoài về mảnh đất cù lao trù phú, con người chất phác hiền hòa này…
Sau khi viết xong bài vọng cổ Chợ Mới, ngay bản thân soạn giả Trọng Nguyễn cũng không nghĩ nó có một sức lan tỏa mạnh như vậy. Chỉ sau vài lần thu và phát trên radio và sau đó được dựng hát trên truyền hình, được chọn làm bài ca để tuyên truyền cho những cuộc tuyển tân binh, chỉ sau đó vài năm, hầu như đi đâu đâu ở Chợ Mới cũng nghe người ta hát. Và bây giờ, bài vọng cổ Chợ Mới đã trở thành thân quen, không thể thiếu trong mỗi dịp tiệc tùng, ca hát. Sức lan tỏa ấy đã làm cho bài vọng cổ Chợ Mới không chỉ là “địa phương ca” của riêng vùng đất Chợ Mới mà nó còn lan tỏa đi nhiều nơi khác trong thời buổi ngày một ít người tìm đến loại hình văn hóa đàn ca tài tử, cải lương… Năm 2008, Đảng bộ huyện Chợ Mới cho in bài vọng cổ Chợ Mới vào quyển “Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới”. Soạn giả Trọng Nguyễn cho rằng: “Đây là một cách làm văn hóa, một sự ghi nhận đối với bài vọng cổ đã gắn bó sâu nặng với vùng đất và con người địa phương Chợ Mới”…
Ngoài những điều chưa biết về “lý lịch” của bài vọng cổ Chợ Mới, soạn giả Trọng Nguyễn còn chia sẻ thêm về bút danh “Trọng Nguyễn” của ông. Ông cho biết: Hồi thời ông còn đi học, tên thật lúc đi học của ông là Nguyễn Phú Xuân. Trong lớp học có đến 5 người tên Xuân. Do vậy thầy giáo phải ra quy tắc khi gọi tên Xuân thì phải ghép thêm họ vào sau tên để không bị nhầm. Ví dụ: Lê Thanh Xuân thì gọi là Xuân Lê, Nguyễn Phú Xuân gọi là Xuân Nguyễn… Ngoài ra, ở Nam Bộ, cái gì gọn gọn, không quá lớn, không quá nhỏ thì người ta kêu là “trọng trọng”. Với hai lý do trên nên ông lấy bút danh là Trọng Nguyễn…
Tác giả thai nghén ra tác phẩm là cả một quá trình kỳ công, tác phẩm Chợ Mới ra đời trong 2 tiếng đồng hồ nhưng thật ra đó là kết quả của biết bao lần đi đi về về, lăn lộn cùng vùng đất này để hóa thành tình yêu mến đất, yêu mến người đến sâu đậm thì mới thốt lên câu vọng cổ để đời được. Tình yêu và sự rung động của soạn giả Trọng Nguyễn đã làm lay động được lòng người nghe, người hát. Họ yêu mến bài hát của ông cũng như yêu mến mảnh đất quê hương của mình vậy, khi họ thấy nó gần gũi, thân thương và có cả tiếng lòng của mình trong từng giai điệu, lời ca…
Với 40 năm lao động sáng tạo miệt mài, ông đã góp phần làm nên một diện mạo đặc sắc cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như miền Tây Nam Bộ. Với sứ mệnh của người nghệ sĩ, Trọng Nguyễn đã để lại cho vùng đất cù lao Chợ Mới nói riêng và người yêu thích vọng cổ nói chung một bài vọng cổ Chợ Mới mà “đi tới đâu cũng nghe”…
Nguồn: Thư viện An Giang