Đoàn Minh Huyên – Phật Thầy Tây An

Ông Đoàn Minh Huyên sinh ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Lớn lên, ông rời quê quán, có lẽ là để đi tu hành. (Có tài liệu nghiên cứu cho rằng tên thật của Đoàn Minh Huyên là Đoàn Văn Huyên. Năm 34 tuổi, ông đến ở chùa Long Thạnh (Bà Hom – nay thuộc quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) thuộc phái Lâm Tế. Tại đây ông có pháp danh là Minh Huyên).

Năm Giáp Thìn (1844), ông xuất hiện tại Gò Công rồi vân du qua xứ Mỏ Cày, Bến Tre, Cần Chông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá và miền Thất Sơn. Đầu năm Kỷ Dậu (1849), ông có mặt tại Tòng Sơn với dáng dấp của một người ngây ngây, lời ăn tiếng nói khi hư, khi thực. Ông nghèo nàn, cô độc, một mình hiu quạnh nương tựa tại mái hiên sau của ngôi đình Tòng Sơn. Bấy giờ, bệnh dịch tả hoành hành ở miền Tây làm nhiều người chết. Theo thống kê của Bộ Hộ triều Nguyễn, trong 2 năm 1849 và 1850, riêng Vĩnh Thanh có 43.400 người chết. Khi làng Tòng Sơn bắt đầu thấy có người nhiễm bệnh, dân làng rất lo sợ, còn hương chức làng thì họp lại, giết gà heo để làm lễ “tống gió”. Thấy hành động của hương chức làng trái với chánh pháp nên ông ra trước mặt họ tỏ ý không tán thành. Vốn đã khinh bạc ông từ trước, nay sẵn chuyện ông chống lại lễ “tống gió”, hương chức làng xua đuổi ông ra khỏi mái hiên đình. Đến lúc này, ông mới cho biết tên họ của mình, và nói rõ danh tánh ông bà, cha mẹ của mình, rồi ra đi. Từ đó, người ta thấy ông Đoàn Minh Huyên vân du nhiều nơi (Trà Bư, Tân Phước, Mỹ Hưng, Cái Tre), gặp bệnh thì trị bệnh, gặp người thiện duyên thì thuyết pháp dạy tu. Nơi ông ngụ lại hơi lâu là tại Trà Bư (cách chợ Cái Tàu Thượng khoảng 10 cây số).

Tháng 8 năm 1949, ông Đoàn Minh Huyên đến cốc ông đạo Kiến ở thôn Kiến Thạnh (nay thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới) để chữa bệnh. Người đến xin chữa bệnh và qui y rất đông. Những người qui y được phát cho một “lòng phái” bằng giấy vàng hoặc giấy bạch, trên có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Từ đấy, ông Đoàn Minh Huyên được xem như Giáo tổ của tông phái (hệ phái) Bửu Sơn Kỳ Hương.

Đoàn Minh Huyên đã chữa bệnh bằng bùa phép và những loại kỳ hoa dược thảo. Có thể bùa phép mang đến cho người bệnh thắng lợi tinh thần, dược thảo trị được bệnh tật, cho nên có một thực tế, là kết quả trị bệnh của Đoàn Minh Huyên khá hiệu nghiệm, nhiều người bệnh thoát được nanh vuốt khủng khiếp của tử thần trong nạn dịch giữa một vùng còn hẻo lánh hoang vu, nên lòng tin tôn giáo của quần chúng có cơ sở phát triển.

Theo giáo lý của Phật Thầy Đoàn Minh Huyên thì người tu cốt thực thi bốn ân lớn: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Ông chủ trương lấy đạo Phật làm gốc, nhưng không thờ Phật cốt, không gõ mõ tụng kinh, không cạo đầu mặc áo cà sa, không hành nghề thầy đám, không cúng kiếng chè xôi và tu đâu cũng được. Trong bối cảnh nửa đầu thế kỷ XIX, tại một vùng đất mới với nhiều dân tộc cộng cư, tín ngưỡng phức tạp, mê tín dẫy đầy, những cuộc tụ tập làm loạn thường dựa vào tình trạng phức tạp đó mà nổi dậy khiến chánh quyền đương thời phải cảnh giác với các ông đạo. Chính vì vậy mà khi nghe tin ông Đoàn Minh Huyên có uy lực tụ tập mỗi ngày hằng ngàn người, lại truyền bá kiểu tu hành dị biệt, nên triều đình xuống lệnh cho quan Tổng đốc An Giang bắt ông đưa về Châu Đốc câu lưu vì cho rằng ông không phải là một nhà tu hành chân chính mà là một gian đạo sĩ, chuẩn bị làm cuộc nội loạn. Ông đươc phóng thích nhưng để dễ kiểm soát, nhà cầm quyền đương thời đã buộc ông phải vào tu tại chùa Tây An ở núi Sam, một ngôi chùa do Tổng đốc Doãn Uẩn cất sẵn từ năm 1847.

Tương truyền là trong 7 năm ở đây, ông và thiền sư Hải Tịnh cùng trụ trì chùa Tây An. Nhân dân trong vùng và khách thập phương đến viếng chùa theo đạo ngày càng đông. Người ta tôn xưng ông là Phật Thầy Tây An (danh hiệu này là do tín đồ tôn vinh, không phải ông Đoàn Minh Huyên tự đặt).

Ông Đoàn Minh Huyên chỉ thị cho các đại đệ tử mở rộng việc truyền đạo đến nhiều nơi. Họ thiết lập các cơ cấu Bửu Sơn Kỳ Hương mà bấy giờ được mệnh danh là “trại ruộng”, vừa khẩn hoang sản xuất vừa tu hành.

Phật Thầy Đoàn Minh Huyên viên tịch tại chùa Tây An (núi Sam) vào giờ Ngọ, ngày 12 tháng 8 năm Bính Thìn (1856). Mộ của ông hiện ở phía sau chùa Tây An, được khỏa bằng (không đắp nấm).

Giáo phái Bửa Sơn Kỳ Hương hoạt động trước hết là “đạo”, theo giáo lý Tứ Ân do cụ Đoàn Minh Huyên khởi xướng, nhưng một thực tế rất “đời” là lo việc khẩn hoang, lập làng, quy tụ nhiều người đến định cư ở Láng Linh, Cái Dầu, Thới Sơn (An Giang), cần Lố (Đồng Tháp)… Hiện nay, ở An Giang có các di tích gắn liền với Đoàn Minh Huyên như Tây An Cổ Tự (xã Long Giang, Chợ Mới), chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc), đình Thới Sơn, chùa Thới Sơn (còn gọi là chùa phật Lâm Vồ), chùa Phước Điền (người dân vẫn quen gọi là “Trại ruộng Thới Sơn”, “Trại ruộng Phước Điền ”) đều toạ lạc tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên… Ở tỉnh Đồng Tháp, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò có chùa Tòng Sơn thờ Đức Phật Thầy Đoàn Minh Huyên. Hằng năm, vào ngày vía Phật Thầy (12/8 âl), hàng ngàn tín đồ và khách thập phương đến chùa Thới Sơn và chùa Tòng Sơn để làm lễ cúng viếng rất long trọng.

Nguồn: thuvienangiang

Chia sẻ lên
WEB5k - Thiết kế website giá rẻ chuẩn SEO